banner 728x90

Hương vị đồng quê: “Gà đồng” khía nước dừa

03/03/2025 Lượt xem: 2530

Về miệt đồng bằng sông Cửu Long, các bạn sẽ được thưởng thức món ăn thịt chuột mà bà con ở đây còn đặt với cái tên thú vị “Gà đồng”, được chế biến thành nhiều món ăn vô cùng hấp dẫn.

Ở đồng quê có nhiều loại chuột: chuột cơm, chuột cống nhum…chuột cơm nhỏ con, thân hình thon, bộ lông mướt rượt, bàn chân ửng hồng; Chuột cống nhum cỡ bắp tay, thậm chí có con nặng đến nửa ký lô là chuyện thường, lông cứng và dài như lông heo nái. Cống nhum ngon hơn chuột cơm ở chỗ, thịt vừa ngọt, beo béo, thơm thơm và dai dai. Thức ăn chủ yếu của chuột đồng toàn là đồ cao cấp như: cỏ, rễ non, bắp khoai củ…nên rất sạch sẽ.

Thịt chuột được chế biến thành nhiều món ăn như: nướng, chiên xào lá cách, xào với sả ớt, đậu phộng rang. Đôi lúc còn được nấu canh chua cà ri, nhưng có lẽ một món ăn đặc sản ở đồng quê mà mọi người cho là “tuyệt cú mèo” thì chỉ có món “gà đồng” khía nước dừa.

Chuột ngon nhất là vào mùa “hội gà đồng”  từ khoảng tháng 11 đến tháng 6 âm lịch, sa mưa xuống, thức ăn đầy rẫy phủ phê, chuột đồng về vô số kể, tha hồ mà đi bắt. Chuột đồng được bắt bằng nhiều cách đơn giản: đào hang, gài bẫy, đâm chỉa…nhưng hào hứng vui nhộn nhất vẫn là “dặm cù” hay còn gọi là “xây cù”.

Làm chuột nhúng nước sôi hay thui rơm để lột da cho dễ, nhưng mọi người cho là thịt không ngon. Bà con chuộng cách chuột sống chặt bỏ đầu, chân, đuôi rồi lột da, cố giữ lại lớp da dính mỡ. Rọc dưới bụng, rút ruột bỏ, chừa lại gan, rửa sạch từng con.

Củ hành đâm nhuyễn, đường muối tiêu, sa tế, một chút ngũ vị hương, nhắm chừng vừa ăn, xóc đều từng con. Chảo bắc lên bếp cho mỡ vào, tỏi đập dập chờ thật thơm, đặt từng con chuột vào chiên vàng đều, nước dừa nạo đổ vào xâm xấp, để lửa liu riu cho gia vị thấm dần vào thịt. Đợi đến khi nước trong chảo sền sệt, đặc quánh lại, con chuột vàng rượm, bóng nhẫy, thơm ngậy mới bắc chảo xuống, xắp từng con ra đĩa lót rau xà lách bên dưới. Đậu phộng rang đâm nhỏ rắc lên mặt. “Gà đồng” khía nước dừa ăn còn nóng với bánh mì rất “bắt”. Ăn với cơm cũng hấp dẫn. Nếu có thêm bạn thâm giao, lai rai vài xị rượu nếp thì càng vui hơn.

Thời trẻ tuổi sống ở miền quê Nam Bộ không thể nào quên những món ăn đặc sản của miệt đồng theo kiểu cây nhà lá vườn được chế biến từ rắn, rùa, ếch, chuột…lớn lên rời bỏ làng quê về thành phố ít có dịp được ăn những món này, rồi lâu dần thành quên.

 Đi chợ gặp chuột làm sẵn, nhìn da trắng nhờ nhờ, tai tái, hay đỏ au lầy nhầy mỡ. nghe nói ban đêm chuột bị gài thuốc, sáng sớm họ đi thu gom, làm chuột chụng nước ngâm với phèn chua cho thịt hết tím bầm. Tự nhiên thấy ớn, hết muốn ăn, thôi đành chịu nhịn cho chắc kẻo ăn vào sinh nhiều bệnh tật khó chữa…

Chỉ khi nào trở lại miền quê, được bạn bè rủ ra đồng, đào hang, dặm cù, trực tiếp tận tay bắt “gà đồng” thứ thiệt, lông mượt, vàng óng, mang về chế biến thành các món ăn dân dã như “gà đồng” khía nước dừa, lúc đó mới có cảm giác thưởng thức thực sự hương vị đồng quê ./.

Từ Thanh Thảo

 

Tags:

Bài viết khác

Bánh ít lá gai – Tinh hoa ẩm thực và ký ức người miền Trung

Bánh ít lá gai không chỉ là món quà quê mộc mạc của người miền Trung, mà còn là biểu tượng văn hóa đặc trưng, gắn bó mật thiết với đời sống, phong tục và ký ức của bao thế hệ nơi dải đất đầy nắng gió.

Vịt nấu chao hương vị miền tây

Nhắc đến vịt nấu chao, người ta thường nhớ ngay một góc bếp miền Tây, nơi mùi chao quyện với khói lửa và tiếng nói cười xôm tụ. Món ăn ấy không chỉ đơn thuần là thức quà ngon miệng, mà còn là câu chuyện của ruộng đồng, của bến nước, của những buổi chiều mưa tầm tã rồi cả nhà ngồi quây quần bên nồi lẩu nghi ngút khói.

Lẩu cá linh bông điên điển – Hương vị mùa nước nổi miền Tây

Đến miền Tây độ tháng 8, tháng 9, khi con nước từ thượng nguồn Mekong đổ về mênh mông bưng biền, cá linh theo dòng lũ về đầy ghe. Cá linh đầu mùa béo tròn, xương mềm, thịt ngọt thơm đặc trưng mà chỉ ai từng ăn mới hiểu được cái ngon riêng biệt ấy.

Mắm Chua Tây Ninh – Tinh Hoa Ẩm Thực Vùng Đất Thánh

Mắm chua Tây Ninh – món đặc sản dân dã nhưng đầy lôi cuốn – là sự giao thoa độc đáo giữa văn hóa ẩm thực Khmer và tinh thần sáng tạo của người dân bản địa. Với vị chua dịu, mặn vừa và hương thơm đậm đà, mắm chua không chỉ là món ăn mà còn là ký ức tuổi thơ của bao người con miền Đông Nam Bộ.

Bún chả Hà Nội – Hồn phố cổ trong từng làn khói bếp than

Nếu phở là linh hồn của bữa sáng Hà Nội, thì bún chả lại là nốt nhạc trầm đầy mê hoặc của buổi trưa ở Thủ đô. Không ai biết chính xác bún chả xuất hiện từ bao giờ – chỉ biết rằng từ những con phố nhỏ trong khu phố cổ đến các ngõ sâu thăm thẳm, mùi thịt nướng thơm lừng trên bếp than hoa vẫn cứ nhẹ nhàng len lỏi vào ký ức của biết bao người con Hà Nội.

Gỏi đọt mây tôm càng nướng – Món ngon níu chân người ở Bình Phước

Bình Phước – vùng đất đỏ bazan ngập nắng gió, nơi rừng và người sống chan hòa như một bản tình ca đại ngàn. Ở đó, không chỉ có điều, có tiêu, có cao su bạt ngàn, mà còn có những món ăn mộc mạc mà độc đáo đến lạ lùng – như gỏi đọt mây tôm càng nướng. Chẳng cần sơn hào hải vị, chỉ cần một dĩa gỏi đơn sơ giữa trưa hè oi ả, cũng đủ làm nên câu chuyện đáng nhớ về hương vị của đất và người.

Cá om nghệ - Món ngon dân dã đậm vị quê

Quảng Ngãi – mảnh đất miền Trung đầy nắng gió không chỉ nổi tiếng với cảnh sắc thiên nhiên hoang sơ, con người hiền hậu mà còn hấp dẫn du khách bởi nền ẩm thực mang đậm hồn quê. Một trong những món ăn dân dã, mộc mạc nhưng khiến bao người phải lưu luyến khi rời xa chính là cá om nghệ – đặc sản trứ danh của người dân xứ Quảng.

Ẩm thực miền Tây: Gỏi sầu đâu khô cá sặc

Gỏi sầu đâu là món trộn (nộm). Nguyên liệu chủ đạo là sầu đâu, loài cây thân mộc có nguồn gốc tự nhiên trên vùng Châu Đốc. Dường như thiên nhiên đã quá hào phóng khi ban tặng cho vùng Châu Đốc cây sầu đâu. Chúng tự đâm chồi từ những hạt già rồi tự lớn, vươn màu xanh mát trước khi đơm những chùm búp hoa trăng trắng làm món ngon cho đời.
Top