Giữa miền đất Long Điền (Bà Rịa – Vũng Tàu) chan hòa nắng gió, khu di tích lịch sử – văn hóa Bàu Thành sừng sững như một nhân chứng lặng lẽ hàng nghìn năm lịch sử. Nơi đây, từng lớp dấu tích cổ xưa hòa quyện cùng nhịp sống hiện đại, tạo thành điểm đến độc đáo vừa gợi trí tò mò vừa làm dậy lên lòng tự hào về một vùng biên viễn oai hùng.
Từ thành phố Bà Rịa theo quốc lộ 55, đi qua thị trấn Long Điền khoảng 1 km rẽ trái là đến Khu Di tích Lịch sử – Văn hóa Bàu Thành, tọa lạc tại khu phố Long Phượng – thị trấn Long Điền – huyện Long Đất – tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Tổng diện tích của khu vực Bàu Thành 24 ha, trong đó hồ Bàu thành có chu vi 1073m với diện tích mặt nước 4,16 ha.
Theo sử sách, Bàu Thành được người Chân Lạp xây dựng vào thế kỷ X-XI, là đồn lũy quân sự, ghi dấu nơi luyện tập đội tượng binh của quốc vương Chân Lạp. Bàu Thành còn có tên gọi khác là Dục Tượng trì, là công trình được đào đắp làm nơi chứa nước để cho đàn voi chiến của nhà vua Chân Lạp luyện tập, uống nước và tắm.
Từ độ sâu hơn 1,6 mét dưới lòng bàu, người ta đã tìm thấy những mảnh gốm, con lăn mang dấu ấn văn hóa Óc Eo rực rỡ, gợi lên giả thuyết nơi đây từng là một phần của Vương quốc Phù Nam cổ đại. Trải qua các triều đại, mảnh đất này không chỉ là pháo đài quân sự, mà còn là cột mốc biên viễn khẳng định chủ quyền lãnh thổ phương Nam.

Hồ Bàu Thành.
Hai trận chiến quyết liệt của quân dân Đại Việt dưới thời chúa Nguyễn tại Bàu Thành vào năm 1658 và 1674 đã đi vào sử sách như minh chứng về ý chí giữ đất khai hoang. Trong hồi ký của Trịnh Hoài Đức, thành lũy Mô Xoài gắn với Bàu Thành được nhắc đến như di tích xưa nhất của lưu dân Việt đặt chân đến Nam Bộ – một dấu son mở cõi phương Nam bền bỉ và quả cảm. Nơi đây đã in dấu hai trận chiến đại thắng của quân dân đại Việt dưới triều đại Nhà Nguyễn. Trận chiến thứ nhất vào năm 1658 do phó tướng dinh Trấn Biên là Tôn Thất Yến chỉ huy. Trận chiến thứ hai vào năm 1674, do chủ tướng dinh Thái Khang là Nguyễn Dương Lâm chỉ huy, Nguyễn Diên làm tiên phong, bình định xứ Mô Xoài. Cả hai lần đánh dẹp quân đội Chân Lạp, phá được lũy binh, đánh chiếm thành luỹ, bắt tướng giặc hàng phục.
Thế kỷ nối thế kỷ, bờ thành đất đỏ, những bụi tre gai khắc khổ vẫn kiên gan đứng đó, cùng người dân Long Điền chứng kiến bao biến động. Dẫu đã bị thời gian bào mòn và một phần bị san lấp, bờ lũy phía Bắc và phía Nam vẫn sừng sững với chiều cao 5–7 mét, mặt lũy rộng hàng chục mét, như tấm bình phong bảo vệ trầm mặc.
Ngày nay, khu vực Bàu Thành được chỉnh trang thành Trung tâm Văn hóa huyện Long Điền. Những con đường nhựa uốn lượn quanh hồ, bãi cỏ trải dài xanh rờn, vườn hoa rực rỡ bốn mùa. Lòng bàu được nạo vét, bờ hồ kè đá vững chãi, hệ thống lan can an toàn cho người tham quan. Giữa cảnh sắc tươi mới, dấu xưa vẫn hiện hữu, phảng phất câu chuyện về đoàn voi chiến ngàn năm trước.
Đặc biệt, điều kỳ diệu là nước trong Bàu Thành chưa từng cạn. Mùa khô hanh hao, mực nước vẫn trên 1 mét; mùa mưa hồ lại đầy ắp, gương mặt bàu soi bóng trời xanh. Chính nhờ thế mà người Long Điền truyền nhau câu ca dao thắm đượm nghĩa tình:
“Bao giờ Bưng Bạc hết sình
Bàu Thành hết nước thì mình hết thương.”
Vào dịp hè tháng 6, du khách từ khắp nơi đổ về Bàu Thành để tận hưởng bầu không khí thanh bình. Trong ánh nắng chói chang, hồ nước như tấm gương mát rượi, phản chiếu từng cánh diều bay lơ lửng và tiếng cười trẻ nhỏ đạp vịt dập dềnh.

Đường quanh hồ uốn lượn, xanh mát và yên bình.
Một du khách đến từ TP. HCM, chia sẻ: “Lần đầu tiên tôi đến đây, cứ nghĩ chỉ là di tích cổ đơn thuần. Không ngờ lại đẹp và thoáng đãng đến vậy. Cả gia đình vừa dạo chơi, vừa tìm hiểu lịch sử, vừa hít thở không khí trong lành, thật đáng nhớ.”
Bàu Thành giờ đây không chỉ là kho tư liệu quý về quá khứ vàng son mà còn là điểm check-in được giới trẻ yêu thích. Những bức ảnh ghi lại khoảnh khắc hoàng hôn đỏ rực trên mặt hồ, hay bóng người nhỏ bé đứng giữa bờ thành cổ thâm trầm, khiến bất cứ ai cũng xúc động.
Giữa thời đại nhộn nhịp, Bàu Thành vẫn giữ được vẻ đẹp trầm mặc, dung dị, như một chương sử sống động nhắc nhớ về công lao tiền nhân khai khẩn, giữ gìn cõi bờ. Nơi quá khứ và hiện tại giao hòa, những giá trị lịch sử và văn hóa vẫn tiếp tục được nâng niu, gìn giữ, truyền lại cho mai sau.
Nếu có dịp ghé Long Điền, hãy một lần dừng chân bên hồ nước ngàn năm tuổi, để thấy thời gian chảy trôi, nhưng tình đất, nghĩa người vẫn bền bỉ, son sắt tự thuở lập làng, giữ nước.
Đào Quốc Thịnh