Đạo giáo là một tôn giáo cổ xưa, có nguồn gốc từ Trung Quốc. Đạo giáo có hai nhánh phát triển chính: Đạo giáo thần tiên và Đạo giáo phù thủy. Trong quá trình tồn tại và phát triển, mặc dù Đạo giáo chưa từng trở thành hệ tư tưởng thống trị trong xã hội Trung Quốc như Nho giáo, Phật giáo nhưng vai trò của nó trong đời sống xã hội Trung Quốc rất to lớn. Đặc biệt trong tầng lớp người bình dân và được người Trung Quốc coi là một tôn giáo “đặc sản” của dân tộc. Đạo giáo được truyền bá vào Việt Nam từ rất sớm, về thời điểm cụ thể thì chưa có một nguồn sử liệu nào xác định chính xác. Nhưng, theo quan điểm được nhiều người thừa nhận thì Đạo giáo được truyền bá vào nước ta sau Nho giáo và Phật giáo.

Đạo giáo được truyền bá vào Việt Nam đã có lúc trở thành một tôn giáo độc lập như dưới triều đại Lý, Trần. Nhưng sau đó, hiện tượng dung hợp Đạo giáo với Phật giáo và Nho giáo đã diễn ra. Đến thời Lê, Đạo giáo nhanh chóng kết hợp với Phật giáo, đa số đạo quán biến thành Phật tự, đạo sĩ, đạo kinh đều bị mai một. Đến thời Nguyễn, khi Nho giáo trở thành hệ tư tưởng thống trị trong xã hội, được nhà Nguyễn trọng dụng và được tôn vinh là “quốc giáo” thì Đạo giáo gần như mất hẳn trong đời sống tín ngưỡng của người Việt Nam, danh từ Đạo giáo đã không còn được người đời nhắc đến nhiều. Trong suốt tiến trình phát triển của dân tộc, cùng với Nho giáo và Phật giáo, Đạo giáo có ảnh hưởng không nhỏ trong đời sống tinh thần, truyền thống và văn hóa của dân tộc ta, đặc biệt trong đời sống của những người dân lao động. Trong buổi đầu truyền bá vào nước ta, Đạo giáo đã tìm thấy những tín ngưỡng tương đồng có sẵn từ lâu. Sự sùng bái ma thuật, phù phép, bùa chú… của người Việt cổ, đã trở thành mảnh đất mầu mỡ cho sự gieo mầm của Đạo giáo. “Vì vậy, dễ hiểu là tại sao Đạo giáo, trước hết là Đạo giáo phù thủy, đã thâm nhập nhanh chóng và hòa quyện dễ dàng với tín ngưỡng ma thuật cổ truyền tới mức không còn ranh giới”. “Nó như có sẵn miếng đất thân thuộc, dân không học đã hay”.
Trong nhiều năm qua, việc nghiên cứu Đạo giáo; sự tồn tại của Đạo giáo ở Việt Nam cũng như những biểu hiện của nó trong tín ngưỡng dân gian Việt Nam còn khiêm tốn hơn so với Phật giáo và Nho giáo. Do vậy, tình hình nghiên cứu Đạo giáo ở Việt Nam còn gặp khó khăn, khiến cho không ít nhà nghiên cứu đã quy nhiều tín ngưỡng dân gian Việt Nam cho Đạo giáo; ngược lại những người sính đồng bóng, bùa chú, ma thuật…lại không hiểu Đạo giáo là gì. Điều này đã tạo ra không ít trở ngại trong việc nghiên cứu Đạo giáo ở Việt Nam, cũng như một số tín ngưỡng dân gian Việt Nam có quan hệ với Đạo giáo. Lịch sử văn hóa của dân tộc gắn liền với quá trình dựng nước và giữ nước của người dân Việt. Khi kinh tế ngày càng phát triển, các quốc gia trên thế giới càng xích lại gần nhau thì văn hóa dân tộc ngày càng trở thành trung tâm của sự chú ý. Văn kiện của Đảng, chính sách của nhà nước Việt Nam đã nhiều lần khẳng định vai trò và tầm quan trọng của mục tiêu “xây dựng một nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”. Vì thế, việc nghiên cứu đề tài: “Đạo giáo và những biểu hiện của nó trong tín ngưỡng dân gian Việt Nam” tôi cho là cần thiết, để hiểu thêm về các quan niệm xã hội, các hiện tượng xã hội….Từ đó, hiểu thêm về nguồn gốc, nét đặc thù của tư tưởng, tín ngưỡng dân gian Việt Nam; các giá trị văn hoá truyền thống mà các bậc tiền nhân đã dày công xây dựng. Thông qua việc nghiên cứu này, đóng góp một phần vào việc nhận thức thêm những nhân tố tích cực, những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc trong sự nghiệp xây dựng nền văn hóa Việt Nam thời kỳ đổi mới.
Ban Nghiên cứu VHTN phía Nam