banner 728x90

Gỏi lá Kon Tum, hãy thử một lần cho biết

26/03/2025 Lượt xem: 2506

Gỏi lá Kon Tum không chỉ là món ăn, mà còn là cả một bức tranh thiên nhiên thu nhỏ, thể hiện sự tinh tế của người dân Tây Nguyên.

Khác với những loại gỏi thông thường, gỏi lá Kon Tum nổi bật bởi sự đa dạng và phong phú của các loại lá rừng, tạo nên một hương vị đặc trưng, khó quên. Món ăn này không chỉ ngon miệng, mà còn mang trong mình cả một câu chuyện về văn hóa ẩm thực độc đáo của vùng đất này.

Sự khác biệt của gỏi lá Kon Tum nằm ở chính sự đa dạng của các loại rau rừng. Nguyên liệu chính là 50 loại lá rừng khác nhau. Mỗi loại lá đều mang một vị riêng biệt – từ chua, chát đến cay nóng – tạo nên một bức tranh hương vị vô cùng phong phú. Mẹt rau được bày biện bắt mắt, đủ mầu sắc như: xanh non của đọt xoài, xanh đậm của lá mật gấu, hồng tía của đọt mận, lá ngành ngạnh đỏ, tím thẫm của lá tía tô, lá mơ... Cùng sự bày biện hài hòa với thịt luộc, tôm rang, bì heo trộn thính, muối, tiêu, ớt… giúp người ăn có thể lựa chọn được những thứ mình thích. Có thể kể đến như lá đọt cóc, lá sung, lá chùm ruột, lá mắc mật, lá húng lìu, lá ổi, rau răm, mơ lông, đinh lăng, tía tô, xoài, sấu, lê rừng, diếp cá và các loại rau thơm…… Tùy theo mùa và sở thích, người chế biến có thể linh hoạt thêm các loại lá khác, nhưng điều quan trọng là sự cân bằng giữa các vị chua, cay, thơm, đắng, tạo nên tổng thể hài hòa, kích thích vị giác.

Sự đắng nhẹ của lá cóc, vị chua thanh của lá chùm ruột, vị cay nồng của rau răm, sự thơm nhẹ của lá ổi… tất cả hòa quyện vào nhau, tạo nên một hương vị rất riêng, khó tìm thấy ở những món gỏi khác. Bên cạnh mâm lá còn có một loại nước chấm đặc biệt được tạo thành từ hèm rượu. Gạo nếp được ủ lên men, sau đó ủ chung với tôm, thịt và xay nhuyễn. Hành khô thái sợi phi thơm, cho hỗn hợp vừa xay nhuyễn vào nấu với lửa riu riu trên bếp rồi nêm thêm gia vị đến khi vừa ăn.

Có quán nước chấm được pha chế là nước mắm cốt ngon, đường, chanh, ớt, tỏi… tạo nên vị đậm đà, làm tôn lên hương vị của các loại lá.

Những món ăn kèm cũng không kém phần kỳ công. Thịt ba chỉ được chọn vừa đủ nạc và mỡ, luộc lên rồi thái từng lát mỏng. Tép sông được cắt sạch râu rang khô, nhưng phải làm sao để con tôm vẫn mềm và khi cắn vào vẫn mọng nước. Bì heo được cắt thành sợi, trộn chung với thính, riềng cắt nhỏ và gia vị. Và không thể thiếu là đĩa muối hạt, tiêu xanh và ớt chỉ thiên, loại ớt đặc trưng của vùng đất Tây Nguyên.

Để thưởng thức món gỏi lá cũng rất cầu kỳ. Khi ăn gỏi lá, chúng ta sẽ không cuốn hết các loại lá cùng một lúc, mà chỉ cuốn khoảng vài lá ăn một lần để vừa miệng và dễ cầm. Thực khách lấy một lá to ở ngoài cùng như lá rau cải, tiếp sau là chọn tất cả những loại lá nhỏ hơn xếp từng lớp từng lớp theo hình tròn hoặc rẻ quạt, sao cho khi gập lên có thể thành hình một chiếc phễu. Sau đó, gắp một miếng thịt luộc vào giữa phễu lá, múc một muỗng nhỏ nước chấm sền sệt mà bông xốp lên, thêm trên đó vài sợi bì thính, một con tôm nhỏ, một hạt tiêu đen ở chính giữa, nếu ăn cay có thể thêm ớt chỉ thiên. Một cuốn gỏi lá hoàn chỉnh sẽ như một bông hoa nhỏ cánh màu xanh của lá, nhị màu vàng cam của tôm tô điểm bởi hạt tiêu đen, độ lớn vừa miệng ăn.

Theo người dân nơi đây truyền lại rằng, món gỏi lá bắt nguồn từ rất lâu rồi. Qua những lần vào rừng phát nương làm rẫy, đồng bào bản địa hái lá cây rừng để ăn trong những bữa cơm trưa, sau đó lại mang về nhà để dùng bữa tối. Dần dà, họ đã phát triển lên thành đặc sản, chọn những lá cây rừng kết hợp với thức ăn kèm để có thể trở thành món ăn thú vị này.

Ngoài chức năng ẩm thực, gỏi lá được xem là món ăn trị liệu, bởi có rất nhiều loại lá mang dược tính, có công dụng chữa bệnh và thanh nhiệt cơ thể, là vị thuốc được thiên nhiên ban tặng cho vùng đất này.

Đào Quốc Thịnh

 

 

Tags:

Bài viết khác

Bánh ít lá gai – Tinh hoa ẩm thực và ký ức người miền Trung

Bánh ít lá gai không chỉ là món quà quê mộc mạc của người miền Trung, mà còn là biểu tượng văn hóa đặc trưng, gắn bó mật thiết với đời sống, phong tục và ký ức của bao thế hệ nơi dải đất đầy nắng gió.

Vịt nấu chao hương vị miền tây

Nhắc đến vịt nấu chao, người ta thường nhớ ngay một góc bếp miền Tây, nơi mùi chao quyện với khói lửa và tiếng nói cười xôm tụ. Món ăn ấy không chỉ đơn thuần là thức quà ngon miệng, mà còn là câu chuyện của ruộng đồng, của bến nước, của những buổi chiều mưa tầm tã rồi cả nhà ngồi quây quần bên nồi lẩu nghi ngút khói.

Lẩu cá linh bông điên điển – Hương vị mùa nước nổi miền Tây

Đến miền Tây độ tháng 8, tháng 9, khi con nước từ thượng nguồn Mekong đổ về mênh mông bưng biền, cá linh theo dòng lũ về đầy ghe. Cá linh đầu mùa béo tròn, xương mềm, thịt ngọt thơm đặc trưng mà chỉ ai từng ăn mới hiểu được cái ngon riêng biệt ấy.

Mắm Chua Tây Ninh – Tinh Hoa Ẩm Thực Vùng Đất Thánh

Mắm chua Tây Ninh – món đặc sản dân dã nhưng đầy lôi cuốn – là sự giao thoa độc đáo giữa văn hóa ẩm thực Khmer và tinh thần sáng tạo của người dân bản địa. Với vị chua dịu, mặn vừa và hương thơm đậm đà, mắm chua không chỉ là món ăn mà còn là ký ức tuổi thơ của bao người con miền Đông Nam Bộ.

Bún chả Hà Nội – Hồn phố cổ trong từng làn khói bếp than

Nếu phở là linh hồn của bữa sáng Hà Nội, thì bún chả lại là nốt nhạc trầm đầy mê hoặc của buổi trưa ở Thủ đô. Không ai biết chính xác bún chả xuất hiện từ bao giờ – chỉ biết rằng từ những con phố nhỏ trong khu phố cổ đến các ngõ sâu thăm thẳm, mùi thịt nướng thơm lừng trên bếp than hoa vẫn cứ nhẹ nhàng len lỏi vào ký ức của biết bao người con Hà Nội.

Gỏi đọt mây tôm càng nướng – Món ngon níu chân người ở Bình Phước

Bình Phước – vùng đất đỏ bazan ngập nắng gió, nơi rừng và người sống chan hòa như một bản tình ca đại ngàn. Ở đó, không chỉ có điều, có tiêu, có cao su bạt ngàn, mà còn có những món ăn mộc mạc mà độc đáo đến lạ lùng – như gỏi đọt mây tôm càng nướng. Chẳng cần sơn hào hải vị, chỉ cần một dĩa gỏi đơn sơ giữa trưa hè oi ả, cũng đủ làm nên câu chuyện đáng nhớ về hương vị của đất và người.

Cá om nghệ - Món ngon dân dã đậm vị quê

Quảng Ngãi – mảnh đất miền Trung đầy nắng gió không chỉ nổi tiếng với cảnh sắc thiên nhiên hoang sơ, con người hiền hậu mà còn hấp dẫn du khách bởi nền ẩm thực mang đậm hồn quê. Một trong những món ăn dân dã, mộc mạc nhưng khiến bao người phải lưu luyến khi rời xa chính là cá om nghệ – đặc sản trứ danh của người dân xứ Quảng.

Ẩm thực miền Tây: Gỏi sầu đâu khô cá sặc

Gỏi sầu đâu là món trộn (nộm). Nguyên liệu chủ đạo là sầu đâu, loài cây thân mộc có nguồn gốc tự nhiên trên vùng Châu Đốc. Dường như thiên nhiên đã quá hào phóng khi ban tặng cho vùng Châu Đốc cây sầu đâu. Chúng tự đâm chồi từ những hạt già rồi tự lớn, vươn màu xanh mát trước khi đơm những chùm búp hoa trăng trắng làm món ngon cho đời.
Top