banner 728x90

Chả cá thác lác, món ngon miền Đông Nam Bộ

07/04/2025 Lượt xem: 2453

Cá thác lác sinh sống ở hầu khắp các vùng nước tự nhiên trên thế giới. Phần lớn cá thác lác tập trung ở châu Á, đặc biệt là Ấn Độ và các nước Đông Nam Á. Ở Việt Nam, cá thác lác sinh sống chủ yếu ở đồng bằng sông Cửu Long, sông Đồng Nai, khu vực miền Trung - Tây Nguyên.

Với cá thác lác, người ta có thể chế biến theo nhiều cách khác nhau như nấu canh, hấp, kho, xào, nấu lẩu, chiên… đều rất ngon. Chả cá thác lác được sử dụng trong các món lẩu, canh, hay vo thành viên để chiên đều thơm ngon.

Để làm chả dai ngon, bạn nên chọn những con cá thác lác có mắt trong, thân to, béo, chắc thịt. Không mua những con cá mà thịt bị nhão, tiết dịch nhớt vì đó là cá ươn. Cá nạo ra có màu bóng đẹp không bị tái, xỉn màu.

Bạn có thể mua cá thác lác đã được nạo thịt và xay sẵn để tiết kiệm thời gian hoặc mua nguyên con về tự nạo thịt tại nhà để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và chất lượng tươi ngon cho món ăn. Sau đây là cách làm chả cá thác lác giòn dai, đơn giản mà bạn có thể tham khảo để chế biến cho cả gia đình thưởng thức.

Trước tiên sau khi mua cá về bạn phải rửa cá bằng nước muối pha loãng, sau đó rửa lại nhiều lần bằng nước sạch, để trên rổ cho ráo. Tiếp đó, lọc phần thịt cá. Cách nạo cá được nhiều người áp dụng là dùng dao lóc từ phần thân xuống dưới đuôi cá để xương cá không dính lẫn vào thịt. Sau đó, dùng muỗng nạo từ đuôi cá lên, để lấy phần thịt cá một cách dễ dàng hơn. Tận dụng phần xương và da cá để nấu canh sẽ rất ngon, ngọt nước. Hành lá đem rửa sạch, thái nhỏ. Hành tím bóc vỏ, rửa sạch, băm nhỏ.

Sau khi làm xong bước sơ chế cá, ta tiến hành ướp cá. Cho vào tô thịt cá đã lọc cùng 1 muỗng canh hạt nêm, 1 muỗng cà phê đường, 1 muỗng cà phê tiêu, hành lá và hành tím đã sơ chế rồi trộn đều với nhau. Ướp cá trong vòng 15 phút. Bước tiếp theo là xay cá. Cho phần cá đã ướp vào máy xay để xay cho thật nhuyễn rồi lấy ra bát. Rồi tiến hành quết chả. Phết một lớp dầu ăn mỏng vào tô để dễ quết và khi quết, cá không bị dính vào thành tô. Dùng muỗng quết thật đều tay phần thịt cá theo vành tô, theo một chiều cố định. Khi thấy phần cá bết dính vào muỗng, là chả đã được rồi.

Quết cá là công đoạn quan trọng nhất, nó là phần quyết định làm nên độ ngon và dai của chả cá thác lác. Nếu không quết kỹ, chả cá sẽ rất bở. Khi nấu, chả cá sẽ bị nát, rời rạc.

Bước tiếp theo là chiên chả cá. Lấy từng miếng cá nhỏ vo tròn rồi ép dẹt độ dày khoảng 1/2 lóng tay và đem chiên. Bạn làm nóng chảo, cho vào 200ml dầu ăn, đun tới khi sủi tăm thì cho cá vào chiên. Tùy vào kích thước chảo, mỗi lần chiên chỉ nên cho 2-3 miếng cá. Vì khi chiên, chả cá sẽ phồng lên rất to.

Chiên vàng đều 2 mặt, mỗi mặt chiên trong khoảng 5-7 phút. Cuối cùng, cho chả cá thác lác chiên ra giấy thấm dầu là xong. Cho chả cá thác lác đã chiên xong vào đĩa. Chả cá thác lác sẽ ngon và đậm đà hơn khi chấm với tương ớt hoặc tương cà. Bạn cũng có thể ăn với cơm.

Chú ý trong khi chế biến bạn nên quết cá thật đều tay và nêm nếm gia vị vừa ăn trước khi vo viên, giúp cho miếng chả cá sau khi chiên có thể ăn liền, không phải nêm nếm gì nữa. Trong quá trình quết hay xay chả, cá thác lác phải luôn giữ được độ lạnh, nếu cá không đủ độ lạnh sẽ bị bở, không ngon.

Nếu bạn xay chả cá thì nên xay từ 3-4 phút, nếu xay lâu thì phần cá bị nóng, mất đi độ dai.

Khi chiên, để chả cá chín vàng đều và dai ngon, lượng dầu cho vào chiên phải xâm xấp mặt cá. Nên để dầu ăn sôi nóng già thì mới cho chả cá vào chiên, khi chiên nên chú ý để lửa vừa để miếng chả cá chín đều từ trong ra ngoài. Khi chả cá có màu vàng thì trở mặt, tránh chiên quá kỹ khiến miếng chả cá bị khô, cứng. Nếu chưa dùng liền, bạn có thể bảo quản chả cá trong tủ lạnh. Để bảo quản chả cá thác lác tươi được lâu hơn, bạn nên cho chả cá vào ngăn đông tủ lạnh. Với phương pháp này, bạn có thể bảo quản chả cá được 1 tháng. Đối với chả cá đã chiên, bạn có thể bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh. Nhưng trước khi sử dụng, bạn cần chiên chả cá sơ qua.

Võ Thị Mai

 

Tags:

Bài viết khác

Bánh ít lá gai – Tinh hoa ẩm thực và ký ức người miền Trung

Bánh ít lá gai không chỉ là món quà quê mộc mạc của người miền Trung, mà còn là biểu tượng văn hóa đặc trưng, gắn bó mật thiết với đời sống, phong tục và ký ức của bao thế hệ nơi dải đất đầy nắng gió.

Vịt nấu chao hương vị miền tây

Nhắc đến vịt nấu chao, người ta thường nhớ ngay một góc bếp miền Tây, nơi mùi chao quyện với khói lửa và tiếng nói cười xôm tụ. Món ăn ấy không chỉ đơn thuần là thức quà ngon miệng, mà còn là câu chuyện của ruộng đồng, của bến nước, của những buổi chiều mưa tầm tã rồi cả nhà ngồi quây quần bên nồi lẩu nghi ngút khói.

Lẩu cá linh bông điên điển – Hương vị mùa nước nổi miền Tây

Đến miền Tây độ tháng 8, tháng 9, khi con nước từ thượng nguồn Mekong đổ về mênh mông bưng biền, cá linh theo dòng lũ về đầy ghe. Cá linh đầu mùa béo tròn, xương mềm, thịt ngọt thơm đặc trưng mà chỉ ai từng ăn mới hiểu được cái ngon riêng biệt ấy.

Mắm Chua Tây Ninh – Tinh Hoa Ẩm Thực Vùng Đất Thánh

Mắm chua Tây Ninh – món đặc sản dân dã nhưng đầy lôi cuốn – là sự giao thoa độc đáo giữa văn hóa ẩm thực Khmer và tinh thần sáng tạo của người dân bản địa. Với vị chua dịu, mặn vừa và hương thơm đậm đà, mắm chua không chỉ là món ăn mà còn là ký ức tuổi thơ của bao người con miền Đông Nam Bộ.

Bún chả Hà Nội – Hồn phố cổ trong từng làn khói bếp than

Nếu phở là linh hồn của bữa sáng Hà Nội, thì bún chả lại là nốt nhạc trầm đầy mê hoặc của buổi trưa ở Thủ đô. Không ai biết chính xác bún chả xuất hiện từ bao giờ – chỉ biết rằng từ những con phố nhỏ trong khu phố cổ đến các ngõ sâu thăm thẳm, mùi thịt nướng thơm lừng trên bếp than hoa vẫn cứ nhẹ nhàng len lỏi vào ký ức của biết bao người con Hà Nội.

Gỏi đọt mây tôm càng nướng – Món ngon níu chân người ở Bình Phước

Bình Phước – vùng đất đỏ bazan ngập nắng gió, nơi rừng và người sống chan hòa như một bản tình ca đại ngàn. Ở đó, không chỉ có điều, có tiêu, có cao su bạt ngàn, mà còn có những món ăn mộc mạc mà độc đáo đến lạ lùng – như gỏi đọt mây tôm càng nướng. Chẳng cần sơn hào hải vị, chỉ cần một dĩa gỏi đơn sơ giữa trưa hè oi ả, cũng đủ làm nên câu chuyện đáng nhớ về hương vị của đất và người.

Cá om nghệ - Món ngon dân dã đậm vị quê

Quảng Ngãi – mảnh đất miền Trung đầy nắng gió không chỉ nổi tiếng với cảnh sắc thiên nhiên hoang sơ, con người hiền hậu mà còn hấp dẫn du khách bởi nền ẩm thực mang đậm hồn quê. Một trong những món ăn dân dã, mộc mạc nhưng khiến bao người phải lưu luyến khi rời xa chính là cá om nghệ – đặc sản trứ danh của người dân xứ Quảng.

Ẩm thực miền Tây: Gỏi sầu đâu khô cá sặc

Gỏi sầu đâu là món trộn (nộm). Nguyên liệu chủ đạo là sầu đâu, loài cây thân mộc có nguồn gốc tự nhiên trên vùng Châu Đốc. Dường như thiên nhiên đã quá hào phóng khi ban tặng cho vùng Châu Đốc cây sầu đâu. Chúng tự đâm chồi từ những hạt già rồi tự lớn, vươn màu xanh mát trước khi đơm những chùm búp hoa trăng trắng làm món ngon cho đời.
Top