
Cha tôi vội vàng chạy ra sân đỡ lấy gánh cỏ nặng trĩu trên vai tôi xuống, ánh mắt người đầy ái ngại và thương cảm:
Ham cắt chi nhiều dữ vậy con! Còn nhỏ, gánh nặng vậy vẹo xương còn gì?
Tôi, một cậu bé hơn mười tuổi cảm thấy người nhẹ hẳn đi khi đôi vai nóng ran không còn phải gồng lên khổ sở, dưới chiếc đòn gánh cong oằn kia, lòng hân hoan hãnh diện lắm. Cũng như bao đứa trẻ nghèo khác, tôi phải đỡ đần cha mẹ từ khi còn rất nhỏ tuổi.
Thôi con nghỉ đi, để cha mang cỏ cho bò.
Đang phe phẩy chiếc mo cau, người chưa kịp ráo mồ hôi, tôi bỗng giật thót người lên.
Tấn! Ra đây cha hỏi.
Biết có chuyện chẳng lành, tôi vội vàng chạy ra chuồng bò. Cha tôi cầm trên tay mấy quả bắp còn xanh, vẻ mặt căng thẳng. Hồn vía bay lên mây, lúc ấy tôi mới nhớ rằng mình đã để quên mấy trái bắp mới vặt trộm trong giỏ cỏ.
Ai cho con đây?
Dạ... Dạ...Tôi ấp úng.
Nói mau! Ai cho hay là con bẻ trộm?
Dạ... dạ mấy đứa, tụi nó bẻ trước, con cũng bắt chước bẻ vài trái về nướng cho em Đám ăn...
Lên giường mau!

Một trận mưa đòn xối xả đổ xuống người tôi. Cha tôi đánh như đang cố xua đuổi một cái gì ghê tởm lắm.Mãi đến khi mẹ tôi khóc van xin và nội tôi từ đầu xóm chạy về lăn xả vào ôm chặt lấy tôi, cha mới vứt cây roi xuống nền nhà.
-Nhớ suốt đời nghe con!
Và rồi ông vội vã đi ra đồng. Tôi khóc nức nở. Đau quá! Oan ức quá! Nội vừa lấy dầu xoa những vết lằn rớm máu trên người tôi vừa chửi: "Tổ cha cái thằng. Đánh con mà không biết đau lòng. Mấy trái bắp non có đáng là bao! Tội nghiệp thằng nhỏ!".
Đó là trận đòn của hơn mười năm về trước, vậy mà tôi cảm thấy rành rọt như mới hôm qua. Mỗi khi xao lòng, muốn cầm của ai một vật gì đó dù rất nhỏ, tôi chợt nhớ đến cha tôi và kịp dừng tay lại.
Đến bây giờ tôi đã hiểu, ngày ấy, bằng phương pháp sư phạm đậm đặc tính cách nông dân, người đã khắc sâu vào tâm khảm tôi một chân lý tưởng chừng như rất giản đơn: gieo hành vi - gặt thói quen, gieo thói quen - gặt nhân cách.
Lê Minh Khôi