banner 728x90

Độc đáo Lễ cưới “ Dứ bà đù” của người Hà Nhì đen (Lào Cai)

11/05/2025 Lượt xem: 2354

Trên mảnh đất biên cương Y Tý, Lào Cai, người Hà Nhì đen vẫn gìn giữ nhiều phong tục truyền thống độc đáo, trong đó lễ cưới “Dứ bà đù” được xem là một nét văn hóa tiêu biểu, phản ánh rõ bản sắc dân tộc và đời sống tinh thần của họ.

Theo quan niệm của người Hà Nhì đen, lễ cưới chỉ có thể tổ chức vào ngày Chẵn – tốt nhất là ngày con Gà hoặc ngày con Chó trong lịch âm. Họ tin rằng, ngày Chẵn mang lại sự suôn sẻ, may mắn, là thời điểm lý tưởng cho khởi đầu của một cuộc sống lứa đôi bền chặt.

                Đoàn đón dâu (Ảnh: Bộ ảnh đẹp Bát Xát)

Lễ đón dâu của người Hà Nhì đen không như nhiều dân tộc khác. Sau khi đôi bên thống nhất, chàng trai sẽ mang theo chiếc chăn lớn, đến trùm lên người cô gái rồi cõng về nhà – như một nghi thức đơn sơ mà trang trọng, chính thức đưa nàng về làm vợ. Trên vai cô dâu, chỉ có đôi xôi nếp do mẹ gói bằng lá chuối – món quà giản dị nhưng đong đầy ý nghĩa. Đó là lời chúc phúc, là sự gật đầu ưng thuận của mẹ dành cho con gái và chàng rể. Cùng cô dâu về nhà chồng là hai người bạn thân thiết từ thuở nhỏ – hai phù dâu được bố mẹ cô dâu mời ăn cơm và dặn dò chu đáo. Họ sẽ là người ở bên cô dâu, động viên, an ủi khi cô rời xa gia đình, bước vào cuộc sống mới.

Khi đoàn đón dâu đến nơi, em gái hoặc chị gái chú rể sẽ chuẩn bị sẵn một chậu nước và khăn sạch. Cô dâu, chú rể lần lượt rửa tay, rửa chân – nghi thức mang ý nghĩa gột rửa những bụi bặm, xua đi điều không may trên hành trình kết duyên. Sau đó, cô dâu bước những bước đầu tiên vào nhà chồng. Bà đón dâu sẽ trao cho cô chiếc địu – vật dụng quen thuộc trong đời sống hàng ngày. Cô dâu địu vào đến gian nhà trong rồi bất ngờ bỏ địu xuống, lúc này, chú rể phải nhanh tay đỡ và treo địu lên giá. Đây vừa là thử thách nhỏ xem nàng dâu mới có quen việc nhà nông, nữ công gia chánh, vừa là cách để chàng trai thể hiện sự quan tâm, sẵn sàng chia sẻ và đồng hành cùng vợ trong chặng đường sắp tới.

                 Cô dâu chú rể làm lễ (Ảnh: Bộ ảnh đẹp Bát Xát)

Mâm cỗ cưới của nhà trai đậm đà hương vị vùng cao, với những món ăn truyền thống như: thịt gà “ha sà”, thịt lợn treo xào tỏi, giá đỗ hầm chân giò, các món canh từ rau cải, đậu phụ… Mỗi mâm tám người cùng quây quần, nâng chén rượu mừng và gửi lời chúc phúc đến cô dâu, chú rể.

                         Mâm cỗ cưới (Ảnh: Bộ ảnh đẹp Bát Xát)

Kết thúc bữa tiệc là nghi lễ “ăn cơm” hay còn gọi là “hô ca già”. Chú rể chọn hai người cao tuổi, có uy tín trong họ để ngồi bên mâm gần bàn thờ và làm lễ. Mỗi người sẽ ăn đủ chín bát cơm do chính mẹ chú rể xới và dâng tận tay – một nghi thức tượng trưng cho sức khỏe, sự dẻo dai và lời chúc phúc cho cặp vợ chồng trẻ sau này sẽ chăm chỉ làm ăn, mang lại ấm no, đủ đầy cho gia đình. Sau đó, bố chú rể sẽ mang chân gà trống – phần thiêng liêng nhất – mời hai người đại diện cùng ăn, khép lại lễ cưới truyền thống trong không khí ấm áp, đầy ý nghĩa.

Lễ cưới “Dứ bà đù” không chỉ là sự kiện quan trọng trong đời người, mà còn là dịp để cộng đồng người Hà Nhì đen thể hiện rõ bản sắc văn hoá, tình làng nghĩa xóm và sự gắn kết bền chặt trong đời sống tinh thần từ bao đời nay.

Phạm Loan

 

 

Tags:

Bài viết khác

Vang danh nghề gốm Lái Thiêu (Bình Dương)

Bình Dương được thiên nhiên ưu đãi có nguồn khoáng sản đất sét và cao lanh rất phù hợp cho nghề làm gốm. Trong những làng gốm ở Bình Dương thì làng gốm Lái Thiêu đã nổi danh trong và ngoài nước bởi sự mộc mạc nhưng không kém phần tinh tế và đậm chất Nam bộ.

Rắn trong tâm thức người Quảng Ngãi

Trong những câu chuyện dân gian của người Quảng Ngãi, hình tượng rắn hiện lên muôn hình, muôn vẻ. Rắn có lúc được người xưa thần thánh hóa và tôn thờ, đi vào đời sống tâm linh; có lúc lại trở thành biểu tượng của cái ác, gieo rắc nỗi sợ hãi cho con người.

Nét đặc trưng của trang phục dân tộc Thái ở Việt Nam

Trang phục không chỉ là y phục hàng ngày mà còn là phần không thể thiếu trong các dịp lễ hội, thể hiện văn hóa và tâm linh của người Thái. Mỗi chi tiết trên trang phục đều mang ý nghĩa riêng và thể hiện sự kính trọng văn hóa truyền thống.

Đám giỗ Miền Tây – Nét đẹp văn hóa của người dân Miền Tây

Đám giỗ miền tây… tràn đầy tình cảm, đó chính là câu nói mà ai cũng sẽ nhắc khi nói về đám giỗ miền quê. Người miền Tây quan niệm rằng đám giỗ không chỉ là dịp để tưởng nhớ người đã khuất mà còn là dịp để bà con, hàng xóm láng giềng quây quần, cùng nhau sẻ chia những câu chuyện trong cuộc sống và thắt chặt thêm tình làng nghĩa xóm.

Đền thờ ông bà Đỗ Công Tường – Cao Lãnh – Đồng Tháp

Đền thờ và mộ ông bà Đỗ Công Tường rất cổ kính, trang nghiêm tọa lạc trên đường Lê Lợi, phường 2, thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp. Đền thờ chủ chợ Cao Lãnh nổi tiếng linh thiêng khắp vùng. Đặc biệt là với giới kinh doanh làm ăn buôn bán nên đã trở thành địa điểm du lịch tâm linh thu hút đông đảo người dân khắp nơi về đây tham quan chiêm bái.

Tục cưới hỏi của dân tộc Tày

Đám cưới thường được tổ chức vào lúc chiều tối (tầm 4 -5 giờ trở đi). Cưới vào giờ này không ảnh hưởng đến công việc trong ngày của mọi người, người ở xa mấy núi cũng đến kịp. Hơn nữa, mọi người sẽ có thời gian ở chơi lâu hơn. Tiệc cưới được chia làm hai tiệc. Tiệc thứ nhất dành cho người lớn tuổi, bậc cha chú, anh em họ hàng. Tiệc thứ hai dành cho nam nữ thanh niên, bạn bè gần xa của cô dâu chú rể.

Cần giữ gìn nét đẹp Lễ cúng sức khỏe của người Ê Đê

Đồng bào dân tộc Ê Đê ở tỉnh Đắk Lắk có nền văn hóa truyền thống đa dạng, phong phú với những lễ hội, phong tục, tập quán độc đáo. Trong đó, Lễ cúng sức khỏe là một nghi thức quan trọng, thể hiện sự tôn kính và hiếu thảo của con cháu đối với ông bà, cha mẹ. Lễ cúng sức khỏe không chỉ là dịp để người Ê Đê bày tỏ lòng thành kính với tổ tiên mà còn là cơ hội để các thành viên trong gia đình, cộng đồng tụ họp, thăm hỏi, chia sẻ niềm vui và cầu chúc cho nhau sức khỏe, hạnh phúc.

Lễ cúng bản của đồng bào Khơ Mú

Lễ cúng bản là một trong những nghi lễ truyền thống quan trọng của dân tộc Khơ Mú ở xã Huổi Một, huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La. Lễ cúng bản thường được tổ chức vào đầu năm hoặc sau mỗi mùa vụ để cầu mong bình an, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu và bản làng yên ổn. Đây không chỉ là một nghi lễ tâm linh mà còn là dịp để cộng đồng gắn kết, thể hiện lòng biết ơn với thần linh và tổ tiên.
Top