banner 728x90

Lễ tạ ơn cha mẹ: Nét độc đáo trong phong tục của người J'rai

25/05/2024 Lượt xem: 3246

Lễ tạ ơn, báo hiếu cha mẹ là tập tục văn hóa truyền thống đã có từ xa xưa trong đời sống, sinh hoạt của cộng đồng người J’rai ở xã Ia Piar (huyện Phú Thiện, Gia Lai). Đây là dịp để những người con đền đáp công ơn sinh thành, dưỡng dục và cầu mong thần linh ban sức khỏe cho cha mẹ.

Theo phong tục dân tộc J’rai, người con chỉ làm lễ tạ ơn, báo hiếu cha mẹ sau khi đã lập gia đình, có con và chỉ làm một lần trong đời. Anh chị em sẽ làm lần lượt theo thứ tự lớn trước, nhỏ sau. Quy mô tổ chức tùy thuộc vào kinh tế gia đình, điều kiện khó khăn thì mổ heo, gà. Người giàu có thì giết trâu, bò… Lễ thường được tổ chức vào dịp đầu xuân, khi đó người J’rai thường đang trong thời gian nông nhàn và có đủ chi phí tổ chức.

Để chuẩn bị cho lễ báo hiếu, trước tiên, người con phải xin ý kiến của cha mẹ về thời gian tổ chức. Khi cha mẹ cho phép vào khoảng thời gian phù hợp, gia đình người con sẽ mang một số lễ vật đến nhà cha mẹ để tiến hành các nghi lễ.

Người con trai cung kính dâng đĩa thịt tạ ơn cha mình

Thông thường các lễ khác của người J’rai là do thầy cúng chủ trì, riêng lễ báo hiếu lại được giao cho bà mối đảm nhận. Lễ này được thực hiện trong nhà, con cái mời hai bên cha mẹ cùng vào nhà. Họ ngồi giữa gian nhà chính, xung quanh rượu ghè, thịt gà và thịt heo hoặc trâu, bò đã chuẩn bị sẵn chỉ cần kết thúc các nghi thức là mọi người có thể ăn uống vui chơi đến ngày hôm sau. Nhưng trước khi mọi người ăn uống, một phần nghi thức không thể thiếu đó là bà mối của vợ chồng tuyên bố lý do có cuộc gặp mặt, tiếp đó là ca ngợi công lao vất vả của những bậc cha mẹ. Đôi vợ chồng tặng quà cho cha mẹ, thường là bộ quần áo truyền thống hay những vật dụng có để phục vụ sinh hoạt hàng ngày…

Tiếp theo, bà mối rót rượu mời từ cha mẹ hai bên cho đến đôi vợ chồng uống. Xong lượt, họ bắt đầu rót rượu mời lại bà mối.

Kết thúc nghi lễ mọi người cùng ăn, uống rượu ghè, trò chuyện vui vẻ… Để cho bữa tiệc thêm phần vui thì chủ nhà kiếm một phần thịt cho bà mối làm vốn và vài ghè rượu. Bà mối mời ai uống rượu của mình thì người đó phải để lại tiền, tùy theo tấm lòng của mỗi người cho bao nhiêu thì nhận bấy nhiêu, ngược lại bà mối đưa thịt cho họ và cứ như thế cuộc vui kéo dài đến ngày hôm sau. Nếu thực phẩm vẫn còn thừa, chủ nhà chia cho mỗi người một ít đem về làm quà.

Lễ tạ ơn, báo hiếu cha mẹ là một nét đẹp trong đời sống văn hóa của cộng đồng người J’rai, thể hiện sự hiếu nghĩa, kính trọng bề trên của những người con nơi đây. Với họ, nếu không tổ chức được lễ này, sẽ phải mang món nợ ân tình suốt đời với cha mẹ.

Ban nghiên cứu VHTN

 

Tags:

Bài viết khác

Độc đáo Lễ cưới “ Dứ bà đù” của người Hà Nhì đen (Lào Cai)

Trên mảnh đất biên cương Y Tý, Lào Cai, người Hà Nhì đen vẫn gìn giữ nhiều phong tục truyền thống độc đáo, trong đó lễ cưới “Dứ bà đù” được xem là một nét văn hóa tiêu biểu, phản ánh rõ bản sắc dân tộc và đời sống tinh thần của họ.

Vang danh nghề gốm Lái Thiêu (Bình Dương)

Bình Dương được thiên nhiên ưu đãi có nguồn khoáng sản đất sét và cao lanh rất phù hợp cho nghề làm gốm. Trong những làng gốm ở Bình Dương thì làng gốm Lái Thiêu đã nổi danh trong và ngoài nước bởi sự mộc mạc nhưng không kém phần tinh tế và đậm chất Nam bộ.

Rắn trong tâm thức người Quảng Ngãi

Trong những câu chuyện dân gian của người Quảng Ngãi, hình tượng rắn hiện lên muôn hình, muôn vẻ. Rắn có lúc được người xưa thần thánh hóa và tôn thờ, đi vào đời sống tâm linh; có lúc lại trở thành biểu tượng của cái ác, gieo rắc nỗi sợ hãi cho con người.

Nét đặc trưng của trang phục dân tộc Thái ở Việt Nam

Trang phục không chỉ là y phục hàng ngày mà còn là phần không thể thiếu trong các dịp lễ hội, thể hiện văn hóa và tâm linh của người Thái. Mỗi chi tiết trên trang phục đều mang ý nghĩa riêng và thể hiện sự kính trọng văn hóa truyền thống.

Đám giỗ Miền Tây – Nét đẹp văn hóa của người dân Miền Tây

Đám giỗ miền tây… tràn đầy tình cảm, đó chính là câu nói mà ai cũng sẽ nhắc khi nói về đám giỗ miền quê. Người miền Tây quan niệm rằng đám giỗ không chỉ là dịp để tưởng nhớ người đã khuất mà còn là dịp để bà con, hàng xóm láng giềng quây quần, cùng nhau sẻ chia những câu chuyện trong cuộc sống và thắt chặt thêm tình làng nghĩa xóm.

Đền thờ ông bà Đỗ Công Tường – Cao Lãnh – Đồng Tháp

Đền thờ và mộ ông bà Đỗ Công Tường rất cổ kính, trang nghiêm tọa lạc trên đường Lê Lợi, phường 2, thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp. Đền thờ chủ chợ Cao Lãnh nổi tiếng linh thiêng khắp vùng. Đặc biệt là với giới kinh doanh làm ăn buôn bán nên đã trở thành địa điểm du lịch tâm linh thu hút đông đảo người dân khắp nơi về đây tham quan chiêm bái.

Tục cưới hỏi của dân tộc Tày

Đám cưới thường được tổ chức vào lúc chiều tối (tầm 4 -5 giờ trở đi). Cưới vào giờ này không ảnh hưởng đến công việc trong ngày của mọi người, người ở xa mấy núi cũng đến kịp. Hơn nữa, mọi người sẽ có thời gian ở chơi lâu hơn. Tiệc cưới được chia làm hai tiệc. Tiệc thứ nhất dành cho người lớn tuổi, bậc cha chú, anh em họ hàng. Tiệc thứ hai dành cho nam nữ thanh niên, bạn bè gần xa của cô dâu chú rể.

Cần giữ gìn nét đẹp Lễ cúng sức khỏe của người Ê Đê

Đồng bào dân tộc Ê Đê ở tỉnh Đắk Lắk có nền văn hóa truyền thống đa dạng, phong phú với những lễ hội, phong tục, tập quán độc đáo. Trong đó, Lễ cúng sức khỏe là một nghi thức quan trọng, thể hiện sự tôn kính và hiếu thảo của con cháu đối với ông bà, cha mẹ. Lễ cúng sức khỏe không chỉ là dịp để người Ê Đê bày tỏ lòng thành kính với tổ tiên mà còn là cơ hội để các thành viên trong gia đình, cộng đồng tụ họp, thăm hỏi, chia sẻ niềm vui và cầu chúc cho nhau sức khỏe, hạnh phúc.
Top